Philippines phản đối Trung Quốc có mặt ở biển Đông

Đại sứ Trung Quốc tại Manila đã được mời đến văn phòng Bộ Ngoại giao Philippines ngày 31-5 để Ngoại trưởng Albert del Rosario nêu các quan ngại của nước này đối với những hành động của quân đội Trung Quốc ở vùng biển phía tây Philippines.
Ảnh chụp của Philippines vào ngày 21-5 cho thấy tàu hải giám 75 của Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển tranh chấp với Philippines
Trung Quốc triển khai rầm rộ dự án dầu khí
Ngoại trưởng Albert del Rosario “yêu cầu đại sứ quán Trung Quốc xác thực về sự xuất hiện của tàu hải giám và một số tàu hải quân khác của Trung Quốc”. Phản ứng mạnh của Philippines dựa trên báo cáo của lực lượng quân đội nước này với nội dung: Trung Quốc đã mang ra nhiều vật liệu xây dựng, dựng một số lượng chưa xác định phao nổi trong vùng biển đang tranh chấp ngoài biển Đông.
Bộ Ngoại giao Philippines cũng truyền đạt quan ngại của chính quyền Manila đến đại sứ Trung Quốc về thông tin Trung Quốc sẽ triển khai rầm rộ dự án giàn khoan dầu khí trên biển Đông. Ngoại trưởng Albert del Rosario yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về vị trí chính xác của giàn khoan dự kiến xây dựng và khẳng định giàn khoan khổng lồ này không được phép xâm phạm lãnh thổ hoặc lãnh hải của Philippines.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, khu vực mà Trung Quốc dựng các phao nổi nằm lọt vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. “Tất cả những hoạt động xây dựng diễn ra trong khu vực này đều vi phạm thỏa thuận ký kết giữa Trung Quốc và mười nước thành viên ASEAN” - Ngoại trưởng Albert del Rosario nhấn mạnh.
Ngày 1-6, ông Herminio Coloma, thư ký phụ trách thông tin của Văn phòng Tổng thống Philippines, cho biết vấn đề tranh chấp trên biển Đông và thăm dò khí đốt trên vùng biển này là các chủ đề thảo luận hàng đầu trong cuộc gặp giữa Tổng thống Philippines Benigno Aquino và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại thủ đô Brunei.
Tại cuộc họp báo, ông Coloma cho biết trong cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ mong muốn duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực thông qua đối thoại đa phương với các nước cùng tuyên bố đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Hai nhà lãnh đạo nhiều lần nhấn mạnh sự cần thiết phải có những đường hướng và giải pháp hòa bình cho vấn đề này. Theo ông Coloma, Quốc vương Hassanal cũng bày tỏ lập trường ủng hộ đàm phán đa phương để đạt được mục tiêu hòa bình và ổn định trong khu vực.
Mỹ quan tâm biển Đông
Ngày 1-6, Hãng tin Bloomberg dẫn lời tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Robert F. Willard cho biết ông đang quan tâm đến những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong vấn đề biển Đông.
“Trong năm 2010, toàn bộ khu vực được chú ý vì những cuộc đụng độ tiềm ẩn trong khu vực biển Đông, bất cứ lúc nào tôi cũng quan tâm rằng căng thẳng đang tăng cao và đối đầu đã xảy ra trong khu vực trên. Đây là vùng quan trọng và chiến lược đối với tất cả chúng ta” - ông Robert F. Willard nói.
Trung Quốc đang tuyên bố hầu hết khu vực biển Đông là của họ, bất chấp những tuyên bố từ Việt Nam, Philippines, Brunei, Đài Loan và Malaysia. Bloomberg cho biết Tập đoàn Exxon Mobil Corp, Talisman Energy Inc và Forum Energy Plc đang có kế hoạch thăm dò các lô mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Trước đó, Hãng tin quốc gia Malaysia Bernama dẫn lời bộ trưởng quốc phòng nước này, ông Ahmad Zahid Hamidi cho biết hải quân Mỹ đang muốn đối thoại phi chính thức với tất cả các nước trong khu vực biển Đông. Đô đốc Robert F. Willard cho biết động thái này rất quan trọng vì Washington muốn khẳng định sự có mặt của họ chỉ nhằm duy trì ổn định trong khu vực và muốn bảo đảm tài nguyên khoáng sản có thể được chia sẻ và sử dụng để phát triển các nước và vùng lãnh thổ liên quan.
“Mỹ đưa ra quan điểm thẳng thắn là Washington muốn chứng kiến các bên trong vùng ứng xử với nhau theo cách hòa bình và thông qua đối thoại cũng như không đối đầu trên biển và trên không”- ông Willard nói.
MỸ LOAN - HỒNG VÂN (Theo AFP)

No comments:

Post a Comment

>> Thông điệp từ admin<<
Cảm nhận của bạn sẽ bị xóa nếu ngôn từ thiếu văn hóa!