Toàn cảnh đụng độ giữa Trung Quốc với các nước trên biển Đông

Không chỉ “lấn lướt” Việt Nam, Trung Quốc còn “đụng độ” với nhiều nước khác trong khu vực về vấn đề biển Đông và vấp phải sự phản đối kịch liệt từ những quốc gia này.
Tăng cường gây hấn
Trước nay, Bắc Kinh luôn tuyên bố chủ quyền hơn 80% biển Đông, với cái “lưỡi bò” liếm đến tận Indonesia. Với giọng điệu thường thấy, Trung Quốc vu cáo cho các nước xâm phạm cái mà Trung Quốc gọi là “chủ quyền lãnh hải” của mình, đồng thời ngày càng leo thang các hành động đơn phương trắng trợn và phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã ký kết về giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Vụ gây hấn lúc 5h5 ngày 26/5, khi nhóm ba tàu hải giám của Trung Quốc bất ngờ xuất hiện để tấn công tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), đang làm việc tại lô 148 trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.
Các tàu hải giám Trung Quốc chạy thẳng vào khu vực khảo sát của tàu Bình Minh 02 mà không có cảnh báo. Tàu của Việt Nam đã liên lạc nhưng không được phía tàu Trung Quốc đáp lại. Nhóm tàu hải giám này sau đó chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp nhằm cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02.
Vị trí mà ba tàu hải giám Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không liên quan đến bất cứ tranh chấp nào. Các tàu Trung Quốc sau đó liên tiếp có hành động uy hiếp tàu Bình Minh 02 mà lại thông báo là tàu Việt Nam vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. 
Tàu hải giám Trung Quốc tăng cường "quẫy nhiễu" Việt Nam. Ảnh minh họa.
Hành động này của Trung Quốc chỉ như một giọt nước trong cốc đầy bởi trước đó, các tàu cá của ngư dân Việt Nam đi đánh bắt xa bờ tại Hoàng Sa, Trường Sa cũng thường bị tàu Trung Quốc bắn đe dọa, thậm chí bắt bớ và đòi tiền chuộc.
Chuyên gia Carl Thayer đến từ Học viện Quốc phòng Australia bình luận, việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát của Việt Nam thể hiện mức độ gây hấn ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Hà Nội nói riêng và vùng biển Đông nói chung.
Quả thực, không chỉ Việt Nam mà các nước khác trong khu vực, điển hình là Philippines cũng bị Trung Quốc sử dụng kiểu “ngoại giao pháo hạm” hay bắt nạt.
Theo thông cáo báo chí trên trang web của Bộ ngoại giao Philippines (DFA) mới đây, tàu hải giám và tàu hải quân Trung Quốc ở gần Iroquois Reef-Amy Douglas Bank ngày 21/5 tháo dỡ vật liệu xây dựng, dựng nên một số lượng không xác định cột trụ, thả phao ở gần Iroquois Bank.
Iroquois Reef-Amy Douglas Bank nằm ở phía Tây Nam Bãi Cỏ Rong (Reed Bank). Theo DFA, khu vực này “hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines”.
Trước đó, ngày 24/5, tờ Philstar dẫn các tài liệu và hình ảnh của News5 cho biết, Trung Quốc xây dựng các đơn vị đồn trú và tiền đồn quân sự ở 6 bãi đá ngầm trong nhóm đảo Kalayaan. Philippines đang tuyên bố chủ quyền với nhóm đảo Kalayaan (một phần của quần đảo Trường Sa).
Theo báo này, ngoài các đơn vị đồn trú, Trung Quốc còn tích cực thúc đẩy những dự án hàng hải quy mô lớn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của họ với Trường Sa. Đó là các dự án xây dựng cầu cảng, sân bay, hải đăng, đài quan sát hải dương và mạng lưới khí tượng học hàng hải.
Cũng trong tháng này, vào ngày 12/5, hai máy bay MiG (thông tin không cho biết là MiG 21 hay 29) được cho là của Trung Quốc tiến hành hoạt động quấy rối trên vùng trời Bãi Cỏ Rong. Khi đó, hai máy bay trinh sát OV-10 của không quân Philippines bị hai chiếc MiG đe dọa.
Không chỉ vậy, theo tờ PhilStar, vào ngày 2/3, tại vùng biển thuộc Bãi Cỏ Rong, hai tàu hải quân của Trung Quốc với súng ống đầy mình quấy rối một tàu nghiên cứu hải dương của Bộ Năng lượng Philippines.
“Thực tế, Trung Quốc đang tìm cách lấn át chúng ta và các nước ASEAN khác”, PhilStar dẫn lời nghị sĩ uy tín Miriam Defensor-Santiago, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của thượng viện Philippines.
"Chịu chung số phận với Việt Nam và Philippines, Indonesia cũng nhiều lần khó chịu với động thái của Trung Quốc trên biển Đông. Theo tin từ nhật báoMainichi của Nhật Bản hồi giữa tháng 5 vùa qua, các tàu ngư chính Trung Quốc có trang bị vũ khí hộ tống các tàu đánh cá nước này đi đánh cá ở khu vực gần quần đảo Natura mà Indonesia tuyên bố chủ quyền.
Một tháng sau đó, các tàu ngư chính Trung Quốc và tàu tuần tra Indonesia xảy ra đụng độ ở đảo Laut, cách đảo Natura của Indonesia khoảng 105 km về phía Tây Bắc. Song song với lời đe dọa, tàu ngư chính của Trung Quốc cũng chĩa súng vào tàu tuần tra của Indonesia.
Cả khu vực ‘nóng mặt’
Việc Trung Quốc gia tăng các hành động đơn phương tại khu vực biển Đông dấy lên làn sóng phẫn nộ trong các nước trong khu vực.
Một ngày sau khi xảy ra vụ cắt cáp, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại diện sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành động vi phạm chủ quyền đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thiệt hại cho tàu Bình Minh 02.
Đến ngày 29/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức cuộc họp báo về sự kiện tàu Trung Quốc phá hoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga tuyên bố: "Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là hết sức rõ ràng. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của Việt Nam trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
Bà Nga cũng nhắc lại những yêu cầu đối với phía Trung Quốc như trong công hàm trao cho đại diện ngoại giao của Bắc Kinh, đồng thời bác bỏ tuyên bố ngày 28/5 của phía Trung Quốc và khẳng định khu vực mà Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước luật biển 1982, không phải khu vực tranh chấp hay do Trung Quốc quản lý.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng Trung Quốc đang cố tình đánh lừa dư luận bằng cách làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp. "Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng các biện pháp hòa bình nhưng chính các hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình biển Đông", bà Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.
Philippines bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những động thái gia tăng căng thẳng của Trung Quốc. Ảnh minh họa.
Phản ứng mạnh mẽ hơn, sau khi tuyên bố bày tỏ quan ngại của Bộ Ngoại giao Philippines không được Đại sứ quán Trung Quốc “đoái hoái”, Manila hôm nay tiếp tục triệu đại diện của Trung Quốc đến để tái khẳng định sự lo ngại của mình.

Bộ Ngoại giao Philippines còn yêu cầu đại sứ quán Trung Quốc ở Manila cung cấp chi tiết về những thông tin đăng trên báo chí Trung Quốc liên quan đến dự án đặt giàn khoan dầu khổng lồ trên biển Đông vào tháng tới và báo trước là sẽ không chấp nhận hành động này của Bắc Kinh.
Những tuyên bố “lên gân” này chỉ là một trong hàng loạt phản ứng cứng rắn của Philippines nhằm đáp trả một Trung Quốc thích “quấy nhiễu”. Hồi tháng 3, Philippines đưa máy bay chiến đấu và tàu hải quân chặn tàu Trung Quốc. Chưa hết, quan chức quốc phòng hàng đầu Philippines còn có cuộc gặp với nhiều chỉ huy quân sự địa phương hôm 30/5 để thảo luận về việc nâng cấp các cơ sở quân sự tại vùng biển bị Trung Quốc đe dọa.
Còn về phía Indonesia, quốc gia này gửi một bức thư cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, lên tiếng phản đối việc đòi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là vô căn cứ.
Trong bức thư đệ trình lên Liên Hiệp Quốc, phía Indonesia cho biết, họ không tranh chấp chủ quyền trên biển Đông và chỉ đứng ở vai trò trung gian, cho nên Indonesia không thiên vị nước nào trong vấn đề tranh chấp. Bức thư còn lập luận rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ biển Đông, rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và xâm phạm lợi ích chính đáng của cộng đồng quốc tế.
Trong một đoạn khác, Indonesia cũng phản đối văn bản có bản đồ 9 đoạn mà Trung Quốc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc như sau: “Cái gọi là ‘bản đồ với 9 đoạn chấm’ trong văn bản CML/17/2009 (tức văn bản mà Trung Quốc trình lên Liên Hiệp Quốc ngày 7/5/2009), rõ ràng là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và làm đảo lộn Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) năm 1982”.
Malaysia cũng là nước phản đối mạnh mẽ các hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Nguồn tin địa phương cho hay, hồi cuối tháng 4, các tàu ngư chính hộ tống một số tàu Trung Quốc đến đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế thuộc lãnh hải Malaysia và đối đầu với tàu chiến và máy bay chiến đấu của nước này.
Báo chí Trung Quốc cũng đưa tin, các tàu ngư chính của Trung Quốc bị tàu Malaysia rượt đuổi trong khoảng 17 giờ hồi cuối tháng 4. Căng thẳng giữa hai bên gia tăng khi một tàu chiến Malaysia chĩa khẩu pháo hạm vào tàu ngư chính 311 của Trung Quốc. Chiến đấu cơ của Malaysia cũng xuất hiện để cảnh cáo Trung Quốc xâm phạm vùng lãnh hải của họ.
Trước những diễn biến căng thẳng trên, giới phân tích cho rằng, việc khăng khăng đòi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Bắc Kinh cũng như sự “tức nước vỡ bờ” của các quốc gia trong khu vực có thể dẫn đến những cuộc đụng độ lớn trong tương lai.
Nguồn BaoMoi.com
Trà My (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment

>> Thông điệp từ admin<<
Cảm nhận của bạn sẽ bị xóa nếu ngôn từ thiếu văn hóa!