Vụ bé gái vướng cáp tử nạn: Do thi công ẩu

TT - Cái chết của bé Anh Thi đã khiến dư luận bức xúc không chỉ vì tình trạng thi công ẩu của đơn vị thi công, mà còn ở việc khoán thầu cho các đơn vị không chuyên nghiệp vốn phổ biến ở các công trình hiện nay.
Hiện trường vụ tai nạn khiến bé Thi chết tại chỗ - Ảnh: V.Phong
Hiện trường vụ tai nạn khiến bé Thi chết tại chỗ - Ảnh: V.Phong
Hiện trường vụ tai nạn khiến bé Thi chết tại chỗ - Ảnh: V.Phong
Hiện trường vụ tai nạn khiến bé Thi chết tại chỗ - Ảnh: V.Phong
Bà Bùi Thị Sương và em Dương Anh Thơ (chị bé Thi) khóc nhớ đến con và em - Ảnh: C.Q.
Đến tối 4-6, bé gái 4 tuổi Dương Anh Thi chết thảm vì vướng cáp căng ngang đường tại xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, Cà Mau) đã được gia đình an táng.
Mướn lao động phổ thông
Ông Đoàn Minh Đạo - một người dân sống tại khu vực xảy ra tai nạn khiến bé Anh Thi chết thảm - bức xúc: “Nghe “rầm” một cái, tôi chạy ra thì đã thấy cảnh tượng đau lòng. Tôi đã không nói gì nổi mà hai hàng nước mắt chảy dài lúc nào không hay. Mấy công nhân kéo cáp vậy mà không có người canh chừng người đi đường gì cả”. Còn theo một người dân địa phương, sợi cáp được giăng ngang đường khá nhỏ, màu bạc nên người đi đường khó thấy.
Chị bé Thi đang nguy kịch
Em Huỳnh Anh Thư (chị gái cùng mẹ khác cha của bé Thi) vẫn trong tình trạng nguy kịch, đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Sau tai nạn, Anh Thư đã ói ra máu. Hai nạn nhân khác là bà Bùi Thị Sương và ông Lưu Văn Ngoán đang bình phục dần.
Đại úy Nguyễn Khắc Điệp - đội phó đội cảnh sát điều tra Công an huyện U Minh - cho biết đơn vị trúng thầu công trình thi công cột bêtông từ Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) chi nhánh Cà Mau là Công ty Viễn thông Bạc Liêu. Đơn vị này lại hợp đồng khoán thầu với ông Vũ Văn Cao ở P. 9, TP Cà Mau.
Sau đó, ông Cao mướn bốn lao động phổ thông (một ở huyện Năm Căn, một ở huyện U Minh và hai người còn lại ở Bạc Liêu) để thực hiện công trình trên. Hiện công an đang xác minh nhân thân bốn lao động trên và các hợp đồng liên quan giữa các nhà thầu cũng như chứng chỉ hành nghề, trình độ nghiệp vụ của ông Vũ Văn Cao.
Theo ông Ngô Tú Trọng - giám đốc Công ty Viễn thông Bạc Liêu, đơn vị đã có hợp đồng khoán thầu với ông Cao vào ngày 23-5 và trong hợp đồng nêu rõ khi thi công phía ông Cao phải báo với giám sát của công ty là ông Nguyễn Văn Thuấn, nhưng công ty không nhận được tin báo thi công từ ông Cao. Theo hợp đồng này, nếu trong quá trình làm việc nhận thấy có vấn đề không an toàn lao động, phía ông Cao phải báo với giám sát công trình hoặc người phụ trách thi công để có phương án giải quyết.
Chưa kịp đặt biển báo (?)
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao thừa nhận tai nạn là do “sơ suất của anh em” nhưng ông cho biết có báo với Công ty Viễn thông Bạc Liêu trước khi bắt đầu thi công hai ngày. Ông Cao cũng cho biết ông đã hành nghề nhận thầu như trên 9-10 năm nay theo kiểu “có công trình nào làm công trình đó”. Theo ông, lúc xảy ra tai nạn ông không có mặt tại công trình và thời điểm đó có biển báo nhưng các công nhân chưa kịp đặt cảnh báo người đi đường.
Đại úy Điệp nói rõ ràng đơn vị thi công đã có lỗi nhưng việc vi phạm này ở mức độ nào công an sẽ tiếp tục điều tra làm rõ. Dự kiến đầu tuần sau, công an sẽ triệu tập đại diện phía Công ty Viễn thông Bạc Liêu để tiếp tục điều tra vụ việc.
CHÍ QUỐC - PHONG VÂN

No comments:

Post a Comment

>> Thông điệp từ admin<<
Cảm nhận của bạn sẽ bị xóa nếu ngôn từ thiếu văn hóa!