Gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn

TTO - Sáng 2-6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước bước vào môn thi Văn - môn đầu tiên của kỳ thì tốt nghiệp THPT năm 2011. Mời các bạn xem gợi ý giải đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn trên TTO.

Tại TP.HCM, 69.721 thí sinh (trong đó có 58.095 thí sinh dự thi theo hệ giáo dục trung học phổ thông (THPT) và 11.626 thí sinh dự thi theo hệ giáo dục thường xuyên) dự thi.

Môn thi ngữ văn sáng nay có thời gian làm bài 150 phút. Như vậy, đúng 10g, các thí sinh sẽ kết thúc môn thi đầu tiên.




Các thí sinh xem danh sách thi tại Hội đồng coi thi tốt nghiệp phổ thông trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM sáng 2-6 - Ảnh : Minh Đức

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011 − môn Văn

I. Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm).

Câu 1. (2,0 điểm)
Trong đoạn cuối truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?
Câu 2. (3,0 điểm)
Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được đúng con đường cho mình.
Viết một đoạn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.
II. Phần riêng - phần tự chọn (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b) Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
(Ngữ văn 12, Tập một, tr.88, NXB Giáo dục – 2009).
Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.
(phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục – 2008)
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 - môn Văn - Giáo dục thường xuyên
Câu 1. (2,0 điểm)
Tóm tắt tác phẩm Số phận con người của nhà văn M. Sô-lô-khốp.
Câu 2. (3,0 điểm)
Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về thực trạng tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay.
Câu 3. (5,0 điểm)
Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục – 2009).
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TP.HCM: Nhiều thí sinh mang điện thoại vào trường thi
6g sáng, tại cổng hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức) đông nghịt thí sinh và phụ huynh, một vụ va quẹt xe giữa một thí sinh và người đi đường đã xảy ra tại đây. Rất may, cả hai bên chỉ bị xây xát nhẹ, sau vài phút lộn xộn, thí sinh này đã được người dân hỗ trợ đưa đến hội đồng thi.
Tại hội đồng thi trường THCS Lê Quý Đôn (Q.Thủ Đức) rất nhiều thí sinh đã quên thẻ dự thi, quên CMND khiến phụ huynh phải tức tốc chạy về nhà để lấy, một số khác thì cuống cuồng điện thoại nhờ người thân mang đến.
Tại hội đồng thi Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức), tình trạng xảy ra tương tự. Trong vòng 15 phút sáng 2-6, chúng tôi ghi nhận có hơn 10 thí sinh hớt hải chạy ra phía cổng gọi người nhà về lấy hộ thẻ dự thi và chứng minh nhân dân.
Tại hội đồng thi trường THPT Võ Thị Sáu, Bình Thạnh, trong buổi sáng 2-6 có ít nhất 4 trường hợp quên chứng minh nhân dân, phải đứng chờ người nhà mang lên.



Thí sinh tại hội đồng thi Trường THPT Bình Khánh (Cần Giờ, TP.HCM) bỏ đồ đạc, sách vở bên ngoài trước khi vào phòng thi - Ảnh: Hà Bình




Theo ghi nhận của chúng tôi, rất nhiều thí sinh mang điện thoại vào trường thi. Tại Hội đồng thi hệ giáo dục thường xuyên - trường THCS Trương Công Định, Bình Thạnh, mặc dù đã được dặn rất kỹ nhưng khoảng 7g15, giám thị phòng thi phát giấy thi và nhắc nhở một lần nữa thì nhiều em mới xin ra ngoài cất điện thoại.


Điểm thi này cũng bố trí nhiều dãy bàn học bên ngoài hành lang để thí sinh để đồ đạc, giỏ xách, tài liệu trước khi vào phòng thi. Trước cổng hội đồng thi này, một phụ huynh tên Minh cho biết: “Biết là không nên mang điện thoại vào trường thi nhưng nhỡ cháu quên giấy tờ hay cần trợ giúp gì thì sao, nên tôi thống nhất vẫn để cháu mang điện thoại vào, sát giờ thi thì tắt máy cất ở giỏ xách phía ngoài phòng thi”.







Thí sinh ôn bài trước khi vào phòng thi môn Văn tại đội đồng thi trường THPT Nguyễn Thái Bình, Quận Tân Bình TP.HCM - Ảnh: Như Hùng




Nhiều phụ huynh ở đây cũng có tâm trạng như anh Minh. Tại hội đồng này, nhiều thí sinh đến trường thi vào khoảng 7g15, sát giờ phát đề.


Cần Giờ: Điện thoại “đổi” thẻ dự thi


Sáng sớm ngày 2-6, hàng trăm học sinh trên địa bàn huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã tập trung tại cụm thi Trường THPT Bình Khánh (đường Rừng Sác, xã Bình Khánh) để chuẩn bị cho môn văn buổi sáng. Cụm thi này có học sinh của ba Trường THPT Bình Khánh, An Nghĩa và Cần Thạnh.


Do ở khá xa cụm thi, học trò Trường THPT Cần Thạnh đã “cắm trại” tại Trường THCS Bình Khánh, sát cụm thi một ngày trước để chuẩn bị. 4g30 sáng nay, các sĩ tử đã được các thầy cô đánh thức, vệ sinh cá nhân để tránh quá tải có khoảng 200 học sinh “đóng quân” tại điểm này.


Trong giờ ăn sáng, giáo viên chủ nhiệm phát thẻ dự thi cho học trò của mình với điều kiện: Phải nộp lại điện thoại di động. “Sợ nhiều em chủ quan, không nhớ nên đem điện thoại vào phòng thi, do vậy làm cách này là chắc ăn nhất” - thầy Nguyễn Diên Tín - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5, cho biết.


Điểm đặc biệt tại đây là học trò mỗi lớp đều ăn một món ăn sáng khác nhau do giáo viên của lớp đó đặt những chỗ khác nhau. Theo giải thích của ban giám hiệu nhà trường, việc này tránh cho các bạn bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt. “Chia nhỏ ra có sự cố cũng dễ xử lý hơn” - thầy Nguyễn Diên Tín nói.


Trước giờ vào thi, ông Lương Văn Định - chủ tịch hội đồng thi đã nhắn nhủ các bạn thí sinh: “Thầy biết là các em ở xa tập trung về đây thi nên phần nào cũng gặp khó khăn. Các em hãy cố gắng hết mình để không phụ lòng thầy cô, cha mẹ đã dạy dỗ và theo cùng các em đến cụm thi này. Thầy chúc các em bình tĩnh, tự tin và làm bài thật tốt”.







Thí sinh tranh thủ xem lại bài trước khi bước vào thi môn Ngữ Văn tại Hội đồng coi thi tốt nghiệp phổ thông trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM sáng 2-6 - Ảnh: Minh Đức





Các phụ huynh lo lắng khi con em mình bước vào thi môn Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp phổ thông tại Hội đồng coi thi trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM sáng 2-6 - Ảnh: Minh Đức





Hai thí sinh đại diện cho tất cả các thí sinh kiểm tra thùng đựng đề thi còn niêm phong trước khi bước vào thi môn Ngũ Văn tại Hội đồng coi thi tốt nghiệp phổ thông trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM sáng 2-6 - Ảnh: Minh Đức





Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận thăm hỏi, động viên các thí sinh làm bài thật tốt trước khi bước vào thi môn Ngữ Văn tại Hội đồng coi thi tốt nghiệp phổ thông trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM sáng 2-6 -Ảnh: Minh Đức





Giám thị kiểm tra giấy báo thi của thí sinh trước khi bước vào thi môn Ngữ Văn tại Hội đồng coi thi tốt nghiệp phổ thông trường THPT Nuyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM sáng 2-6 - Ảnh: Minh Đức





Thí sinh điền thông tin cá nhân vào giấy làm bài thi trước khi bước vào thi môn Ngữ Văn tại Hội đồng coi thi tốt nghiệp phổ thông trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM sáng 2-6 - Ảnh: Minh Đức




Hà Nội: Nhiều thí sinh quên mang chứng minh thư


Thí sinh Hà Nội đã bước vào ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2011 trong thời tiết thuận lợi, không bị nắng nóng. Từ 6 giờ sáng, các hội đồng thi đã rộng mở đón những thí sinh đầu tiên.







Thí sinh trước khi bước vào thi tốt nghiệp ở Hà Nội - Ảnh: Thanh Hà




Để đảm bảo cung cấp điện cho hội đồng thi ngay cả trong tình huống bị mất điện lưới, trước 7 giờ sáng nay, điện lực quận Long Biên đã cho chở đến mỗi hội đồng thi một máy phát điện dự phòng trong suốt ba ngày thi.


Tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Quận Long Biên), cụm thi gồm HS của năm trường THPT Nguyễn Gia Thiều, THPT Lý Thường Kiệt và ba trường dân lập trên địa bàn quận, phần lớn thí sinh có mặt từ trước 6g30. Nhiều thí sinh tự đến trường thi, không cần có phụ huynh đưa đón.


Các em cho biết không cảm thấy quá lo lắng, căng thẳng nhưng vẫn hồi hộp vì đây là môn thi đầu tiên và có thời gian làm bài lâu nhất. Hơn nữa đối với đa số thí sinh đã chọn thi khối A, B, môn văn mở đầu cho kỳ thi không phải là môn sở trường. Sau khi xác định vị trí phòng thi của mình, không ít thí sinh vẫn tiếp tục tranh thủ ôn bài trong khi chờ đợi. HS Âu Vân Anh (trường THPT Lý Thường Kiệt) cho biết tuy đăng ký dự thi khối D nhưng em vẫn lo lắng cho môn văn nhất vì đây cũng là dịp thử sức trước khi bước vào thi ĐH. Tương tự, nhiều thí sinh cùng ở phòng thi số 1 và số 2 của hội đồng thi này cho biết khá hồi hộp, lo lắng vì môn văn thi theo hình thức tự luận, đề bài có gây bất ngờ, không biết “lệch tủ” ôn tập hay không. Theo nhiều thí sinh ở Hà Nội cho hay, đêm trước ngày thi, thí sinh truyền tai nhau tin đồn 60-70% là câu chính trong đề sẽ rơi vào tác phẩm “Ông già và biển cả” (?!)


Sự cố nhiều thí sinh gặp phải trước buổi thi đầu tiên là... quên chứng minh nhân dân (CMND). Nhiều trường THPT ở Hà Nội không làm thẻ dự thi, thí sinh đi dự thi bằng CMND. Chỉ riêng ở hội đồng thi trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã có hàng chục thí sinh quên giấy tờ quan trọng này và phải gọi điện nhờ người nhà mang đến.


Một nam thí sinh là HS trường THPT dân lập Lê Văn Thiêm rơi vào tình trạng bế tắc, hoảng hốt vì đến giờ vào phòng thi và khoảng 30 phút là đến thời gian phát đề mới biết là đi thi cần có... CMND. Không thể liên lạc với người nhà, thí sinh này định tự đi xe ôm quay về nhà cách đó khoảng 6km để lấy. Biết chắc là không thể kịp quay lại đúng giờ bóc đề thi theo qui định, bảo vệ và giám thị vòng ngoài của hội đồng thi đã chỉ dẫn cho thí sinh vào gặp Chủ tịch Hội đồng coi thi để trình bày tìm biện pháp giải quyết. Sát giờ vào phòng thi vẫn có vài thí sinh đứng chờ chực người nhà mang CMND đến.


Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng quên CMND còn phổ biến ở các hội đồng thi khác như ở trường THPT Phan Đình Phùng, Chu Văn An, Phạm Hồng Thái... Chủ yếu số thí sinh bị quên giấy tờ là HS của các trường THPT dân lập.


Ngày thi đầu tiên là một ngày thường trong tuần nên đa số phụ huynh ở Hà Nội sau khi thấy con vào phòng thi an toàn, yên ổn, đều đã quay lại với công sở. Vì vậy, ở khu vực xung quanh các hội đồng thi của Hà Nội không có tình trạng tập trung đông đúc, gây ùn tắc giao thông.


Bình Định: 30 thí sinh bỏ thi


Buổi thi đầu tiên diễn ra sáng nay, tại 51 Hội đồng thi tốt nghiệp THPT của tỉnh Bình Định đã có 24.307 thí sinh của 50 trường THPT trên địa bàn tỉnh đến dự thi môn Văn, vắng 20 thí sinh so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 24.327 thí sinh.







Thí sinh hội đồng thi THPT Trưng Vương - Quy Nhơn trong giờ thi môn Văn - Ành: Xuân Nguyên




Trong đó, ngoài 18 thí sinh vắng không rõ lý do, tại Hội đồng thi Trường THPT số 3 An Nhơn có thí sinh Lê Thị Thủy, bị ốm từ tối 1-6 và thí sinh Hà Thảo Ly bị tai nạn vào ngày 31-5, đứt ngón tay, không thể tham gia dự thi.


Tại 3 hội đồng coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông hệ giáo dục thường xuyên đặt tại TP. Quy Nhơn cũng đã có 751 thí sinh đến dự thi môn Ngữ Văn, vắng 10 thí sinh không rõ lý do so với số thí sinh đăng ký dự thi là 761 thí sinh.


Thời tiết ở Bình Định những ngày qua có mưa thường xuyên nên tiết trời cũng dịu mát, không quá nóng bức như mọi năm. Nhìn chung, buổi thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT ở Bình Định đã diễn ra bình thường, trật tự, an toàn, nghiêm túc. Tại các Hội đồng thi hầu như không có phụ huynh tập trung nên khá yên ắng.


Về đề thi môn Ngữ văn, thí sinh Trần Ngọc Dũng và nhiều thí sinh dự thi tại Hội đồng thi Trường trung học phổ thông Quốc học Quy Nhơn có chung nhận xét là đề văn ra năm nay khá hay, bám sát chương trình, phù hợp với lứa tuổi và không quá khó. Thí sinh có học lực trung bình có thể đạt trên điểm trung bình. Tuy nhiên, đề cũng có một số câu có tính phân loại thí sinh cao.


Đà Nẵng: Đi thi trong nóng bức


Tại Đà Nẵng, dù đã có thông báo thí sinh và phụ huynh lưu ý đến phòng thi sớm để làm thủ tục nhưng vẫn có nhiều trường hợp thí sinh đến trễ.








Thời tiết nắng nóng khiến thí sinh thi tốt nghiệp tại Đà Nẵng khá vất vả - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG




Tại Đà Nẵng thời tiết hanh, nóng khiến thí sinh làm bài rất vất vả. Thời gian làm bài môn ngữ văn 150 phút nhưng nhiều thí sinh tại hội đồng thi trường THPT Thanh Khê kết thúc sớm và ra bãi giữ xe của trường để tránh nóng.


Các thí sinh cho biết đề thi khá dễ, trong chương trình sách giáo khoa đã học nên làm bài nhanh. Mặt khác do trời quá nóng nên không thể ngồi lâu ở phòng thi. Đến khoảng 9g15 tại hội đồng thi trường THPT Thanh Khê có gần 40 học sinh hoàn thành bài thi.


Trong khi đó, dù đã có thông báo di dời địa điểm thi tại trường THCS Trưng Vương do bị sụt lún phòng học sang trường THCS Tây Sơn nhưng sáng 2-6 vẫn có thí sinh đến trường Trưng Vương.


Trước tình hình này, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã bố trí 1 xe ô tô tại đây và chở thí sinh đến điểm thi mới. Theo thống kê sơ bộ tỷ lệ dự thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng sáng 2-6 đạt 98,82%, vắng 19 thí sinh, 3 thí sinh bị ốm không thể dự thi, 21 thí sinh bỏ thi, không có thí sinh đến chậm không được thi.







Thí sinh thở phào với môn văn






“Đề dễ thôi, cũng không cần viết dài lắm. Em làm xong bài còn 20 phút mới hết giờ, cũng viết hết hơn một tờ giấy thi”- Nguyễn Bích Ngọc (HS trường THPT Nguyễn Trãi) dự thi tại điểm thi trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội cười rất tươi khi nhận xét về đề thi văn sáng nay. Đối với một thí sinh chọn thi khối D như Bích Ngọc thì đề văn thực sự dễ chịu và không có gì bất ngờ: tác phẩm quen thuộc, yêu cầu của đề bài cũng không góc cạnh.





Ngay cả đối với những thí sinh dự thi các khối khác mà môn văn không phải là sở trường cũng kết thúc buổi thi môn văn trong tâm trạng thoải mái. Các thí sinh ra khỏi hội đồng thi trường THPT Phan Đình Phùng rất tươi tỉnh, nhiều thí sinh ra trước khi thời gian làm bài còn 20-30 phút. Thí sinh Ngọc Anh (HS trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội), dự thi khối A, nhưng cũng đánh giá là “đề văn bình thường, đúng trong chương trình và nằm trong trọng tâm ôn tập của chúng em”. Ngọc Anh cho biết thêm các bạn cùng phòng thi đều làm hết bài.






Nhiều thí sinh dự thi ở hội đồng thi trường Chu Văn An cũng phấn khởi với đề thi văn và cho rằng sẽ lấy được nhiều điểm ở câu 1- chỉ kiểm tra kiến thức ghi nhớ và câu 3 (phần tự chọn)- yêu cầu phân tích. Chỉ riêng câu 2 yêu cầu viết bài văn ngắn theo hướng mở là khiến các thí sinh hơi e dè. Mấy nam thí sinh cho biết “yêu cầu viết 400 chữ nhưng chúng em cố mãi cũng chỉ viết được khoảng hơn 300 chữ thôi”. Cũng theo các thí sinh, chủ đề được nhiều thí sinh chọn nhất chính là chuyện... chọn trường, chọn ngành dự thi ĐH.







Thí sinh trao đổi sau giờ thi xong môn Văn tại hội đồng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Ảnh: Như Hùng






Trong khi đó tại TP.HCM, nhiều thí sinh (hệ phổ thông) cho biết rất bất ngờ với câu số 1 của đề thi. Thí sinh Hoàng Duy Khang, học sinh trường TPHT Đông Đô (Q.Bình Thạnh) ho biết: “Tụi mình cứ nghĩ đề thi môn văn năm nay sẽ ra giống mọi năm là câu 1 sẽ hỏi về văn học nước ngoài, ai ngờ…”. Nhiều thí sinh khác cũng cho biết ôn rất kỹ phần tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài nhưng cuối cùng bị…trật tủ. Các thí sinh còn nhận xét đề thi hệ giáo dục phổ thông là hơi dài.








K. Linh, HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám, cho biết: “Theo em đề khá dài, phần tự chọn vẫn là những tác phẩm quen thuộc là Tây Tiến và Vợ nhặt nên hầu hết các bạn trong phòng thi của em đều viết sang tờ giấy thi thứ 2, 3. Riêng câu nghị luận xã hội thì hơi lạ nên phải mất nhiều thời gian để viết tốt câu này, tránh bị lạc đề. Câu 1 về chi tiết trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” đòi hỏi bạn nào phải đọc kỹ tác phẩm này mới trả lời được”.


Nhận định đề thi văn: Đổi mới 50%


Điều bất ngờ nhất đối với các thí sinh năm nay chính là câu 1 (2 điểm). Bởi vì hàng chục năm nay, câu này thường cho nội dung về văn học nước ngoài, nếu có ra về văn học Việt Nam thì cũng ra theo kiểu "nêu hoàn cảnh sáng tác, tác giả..." mà thôi.


Theo tôi, câu này rất hay và lạ, đòi hỏi thí sinh phải nắm rõ tác phẩm và phải tư duy. Câu hỏi ra theo hướng mở, lại hỏi về một chi tiết ở cuối truyện nên sẽ có nhiều học sinh khi học, ôn bài sẽ bỏ qua chi tiết này. Còn đối với những HS ôn bài theo văn mẫu, theo dạng học thuộc lòng thì cũng sẽ không làm được, bởi các bài văn mẫu phân tích tác phẩm không hề nhắc đến chi tiết ở cuối truyện. Mặc dù câu số 1 chỉ có 2 điểm nhưng sẽ giúp giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập: không học tủ, học thuộc lòng.


Câu số 2 (3 điểm) cũng khá hay: hỏi về mục đích sống của tuổi trẻ, rất phù hợp với hòan cảnh, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 12 đang phải lựa chọn hướng tương lai cho cuộc đời của mình. Tuy nhiên, học sinh dễ viết lan man và dễ mất điểm nếu không xác định được ý chính của của câu hỏi.


Câu số 3 (5 điểm) là một câu bình thường, quen thuộc, vừa sức với học sinh. Nếu học sinh có học bài hay nói chính xác hơn là cứ học thuộc lòng là làm được.


Nhìn chung, đề thi này có câu 1 và 2 thuộc dạng đổi mới, còn câu 3 thì lại ra theo "lối mòn": mới chỉ đổi mới được 50% chứ chưa đổi mới hoàn toàn.


Thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng - giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM


--------------


Tác phẩm quen thuộc nhưng câu hỏi hay


Mục đích của câu một là kiểm tra kiến thức, yêu cầu chung cho loại câu hỏi này là HS phải nắm được tác giả, tác phẩm. Tôi đánh giá với câu hỏi của đề thi năm nay là một câu hỏi hay, cách đặt câu hỏi không theo lối mòn quen thuộc như hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tiểu sử tác giả... mà hướng vào hỏi chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm. Cách hỏi này vừa kiểm tra được kiến thức nhưng yêu cầu thí sinh phải nắm kiến thức một cách cụ thể, tức là vừa phải đọc, ghi nhớ, nắm được nội dung, vừa hiểu tác phẩm, có suy nghĩ... Tôi đánh giá câu này có nét đáng ghi nhận. HS sẽ hơi bất ngờ và muốn làm được bài phải nắm được chi tiết tác phẩm.


Câu hai là thể loại nghị luận xã hội. Thường các câu hỏi này hay hướng vào hai chủ đề: đạo lý hoặc hiện tượng xã hội. Câu hỏi của đề năm nay liên quan đến nhận thức của giới trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Tôi cho rằng đó là một chủ đề hay: Chủ đề này thời sự nhưng gần gũi với đối tượng, gần với sự quan tâm, băn khoăn của các em trong độ tuổi và thời điểm này. Có thể nói đây là một chủ đề “có thật” đối với đối tượng, vì vậy thí sinh sẽ dễ thể hiện suy nghĩ hơn là một chủ đề chung chung, các em phải bày tỏ những suy nghĩ gò ép và khuôn mẫu.


Đối với câu hỏi của phần tự chọn, cách ra đề cân xứng về kiến thức: một câu hỏi về thơi, một câu về văn xuôi. Như vật sẽ tăng khả năng lựa chọn của thí sinh, em nào thành thạo về phân tích thơ hay văn xuôi hơn sẽ chọn được câu hỏi phù hợp với mình.


Đánh giá chung của tôi là đề văn năm nay có cấu trúc tốt, tác phẩm quen thuộc, phạm vi kiến thức năm trong chương trình nhưng yêu cầu của đề thi hay. Với đề thi này vừa kiểm tra được kiến thức, kỹ năng cơ bản, bám sát chương trình nhưng vừa tạo cơ hội cho những HS có năng lực văn chương thể hiện.


Thầy Chu Văn Sơn- Khoa Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội







Bên lề


"Chợ" phao thi im ắng


Khu vực trường THPT Thăng Long trên phố Tạ Quang Bửu, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội từ nhiều năm nay mệnh danh là “chợ” phao thi, tuy nhiên sáng nay do công an phường thường xuyên kiểm tra nên các điểm bán "phao" không còn hoạt động rầm rộ, bày bán công khai như trước.







Một “cò” tư vấn tuyển sinh mời các thí sinh khi các em vừa ra khỏi phòng thi - Ảnh: Tiến Thành






Tình trạng giao thông ở đây cũng được cải thiện đáng kể, không xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên trước cổng trường THPT Thăng Long lại xuất hiện tình trạng các “cò” tư vấn tuyển sinh liên tục làm phiền các bậc phụ huynh và học sinh bằng việc phát tờ rơi hoặc chào mời các trường trung cấp, cao đẳng dù đây mới chỉ là kỳ thi tốt nghiệp.


TIẾN THÀNH


Nguồn báo Tuoitre.vn

No comments:

Post a Comment

>> Thông điệp từ admin<<
Cảm nhận của bạn sẽ bị xóa nếu ngôn từ thiếu văn hóa!